Thẩm mỹ viện mạo danh thương hiệu: Cần có quy định về tên gọi

Trần Hoàng Quang

SKTD - Nguyên nhân gốc rễ tình trạng nhiều thẩm mỹ viện mạo danh thương hiệu bệnh viện lớn đến từ việc quản lý chưa chặt chẽ, vì vậy cần thiết phải có quy định cụ thể về tên gọi của các cơ sở làm đẹp.

Nguyên nhân gốc rễ

Liên tục có những cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện lập fanpage, facebook giả mạo, sử dụng thương hiệu và uy tín của bệnh viện lớn để trục lợi. Điển hình, Bệnh viện Chợ Rẫy là một đơn vị bị mạo danh thường xuyên trong những năm gần đây. Điều đáng nói, các thẩm mỹ viện này có quy mô khá lớn với nhiều cơ sở trên cả nước.

Điển hình, một thẩm mỹ viện có tên fanpgage “Thẩm Mỹ Viện Chợ Rẫy” với 9.575 lượt theo dõi và có biển hiệu “Tham my vien Cho Ray” có địa chỉ tại 89 đường Hồng Hà, Phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.

trung-ten-goi-benh-vien-1658896472.jpg
Các viện thẩm mỹ đặt tên na ná giống Bệnh viện Chợ Rẫy và mở ra nhiều cơ sở khác nhau.

Năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy gửi đơn khẩn cấp đến Công an TP.HCM khi phát hiện một công ty lập ra các fanpage và facebook giả mạo thương hiệu bệnh viện. Tại thời điểm đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi đơn đến Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư của TP.HCM và Cần Thơ để giải quyết. Kết quả nhận được phản hồi từ thanh tra sở và viện thẩm mỹ trên buộc phải đổi tên.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các fanpage, facebook của công ty này vẫn còn giữ nguyên tên “Viện Thẩm Mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn”, “Khoa Phẫu Thuật Thẩm mỹ Bệnh Viện C.Rẫy”.  

Chia sẻ với PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Khoa học Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Bệnh viện đã gửi đơn đến PA03, Công an TP.HCM nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Khi nhìn thấy những trang fanpage hay facebook mạo danh bệnh viện, chúng tôi rất bức xúc”.

Bác sĩ còn chia sẻ thêm: “Theo quy định Nhà nước tại địa phương, các cơ quan phải kiểm tra giấy phép kinh doanh, kiểm tra chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương. Nếu thực sự kiểm tra chặt chẽ, giám sát ngay từ đầu, liệu các cơ sở kinh doanh này có tồn tại không, đừng nói đến việc giả mạo. Theo tôi, nguyên nhân gốc rễ vẫn là do việc quản lý Nhà nước tại địa phương”.

Như vậy có thể thấy, việc quản lý chưa chặt chẽ, thiếu tính đồng bộ là một trong những nguyên nhân để tình trạng này ngang nhiên tiếp diễn, ảnh hưởng đến thương hiệu các cơ sở y tế uy tín.

Cần thống nhất cách đặt tên

Thực chất không phải các dịch vụ làm đẹp đều thuộc quản lý của ngành y tế. Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp thành 3 nhóm khác nhau. Trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế. Vì thế, khách hàng có nhu cầu làm đẹp cần phân biệt rõ các nhóm ngành làm đẹp.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Khoa học Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Tôi cho rằng chúng ta nên có các quy định cụ thể để áp dụng. Ví dụ, về cách đặt tên, Bệnh viện Chợ Rẫy là một cơ quan công đúng nghĩa nên không cần phải đăng ký độc quyền, vì đây là tài sản chung của nhân dân và Nhà nước. Nhưng trên thực tế, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đăng ký độc quyền về tên gọi”.

Tư vấn pháp lý về vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Hào - Giám đốc công ty Luật TNHH Nhân Bản cho biết: “Khi các cá nhân hoặc doanh nghiệp đăng ký tên bảng hiệu đi kèm với xin giấy phép thì Sở Kế hoạch và Đầu tư không có lý do gì để từ chối. Có nghĩa là tên bảng hiệu cấp cho doanh nghiệp không phải là nhãn hiệu hàng hóa để được Cục Sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, đăng kí tên cơ sở “Thẩm mỹ viện BV 108” ở Sở Kế hoạch và Đầu tư thì được cấp phép, nhưng khi đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ở Cục Sở hữu trí tuệ thì 100% không được cấp phép.

Đây cũng chính là một trong những kẽ hở để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Việc đặt tên giống với các bệnh viện danh tiếng thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh và sự yếu kém về kiến thức đầu tư, truyền thông của những cơ sở thẩm mỹ đó. Chính điều này gây cho người dân sự nhầm lẫn đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ”.

Thực tế hiện nay chưa có quy định rõ ràng về việc đặt tên biển hiệu đối với các cơ sở làm đẹp tương ứng với 3 nhóm cơ sở dịch vụ làm đẹp, nên rất khó biết cơ sở nào là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, cơ sở nào là dịch vụ thẩm mỹ và cơ sở nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hào, ông chỉ có thể đưa ra lời khuyên rằng các khách hàng cần phải tỉnh táo trước việc nhận diện tên bảng hiệu, quảng cáo. Phải hiểu rõ các cơ sở đó là như thế nào, có phải của các bệnh viện lớn không hay “ăn theo” danh tiếng của các bệnh viện lớn. Khách hàng có nhu cầu làm đẹp phải tìm hiểu kĩ và sáng suốt trước khi đưa ra lựa chọn để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ngoài ra đối với các cá nhân, doanh nghiệp có ý định nhái các bảng hiệu của những cơ sở danh tiếng khác nên hạn chế tối đa điều này. Hãy dựa vào định hướng kinh doanh, tiêu chí, sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi để đầu tư và xây dựng thương hiệu của riêng mình.