Tiền Giang: Tạm giữ 1.200 hộp sữa tươi nhập khẩu không tem nhãn phụ

Trần Hoàng Quang

SKTD - Lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang mới đây đã phát hiện một cơ sở trên địa bàn đang có hành vi kinh doanh 1.200 hộp sữa tươi nhập khẩu không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo pháp luật. Hiện toàn bộ sản phẩm vi phạm đang được tạm giữ để xử lý theo quy định.

Theo thông tin từ Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Tiền Giang, thực hiện kế hoạch kiểm tra hậu kiểm về an toàn thực phẩm, ngày 20/10/2022 Đội QLTT số 1 kiểm tra tại 01 hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hồ sơ tự công bố sản phẩm, hóa đơn chứng từ và đảm bảo điều kiện kinh doanh thực phẩm...

sua-hop-1667545959.jpg

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế hàng hóa, Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang kinh doanh 1.200 hộp sữa tươi tiệt trùng loại 1 lít/hộp, xuất xứ Australia có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; trị giá hàng hóa vi phạm gần 35 triệu đồng.

Với tình tiết tăng nặng là tái phạm nên sau khi hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc trình và ngày 30/10/2022, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi vi phạm nêu trên với số tiền gần 15 triệu đồng.

Đồng thời, cơ quan chức năng buộc hộ kinh doanh này thu hồi toàn bộ hàng hóa vi phạm và buộc ghi nhãn phụ đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông. Đến ngày 01/11/2022, cơ sở đã nộp tiền phạt theo quy định.

Tem phụ là gì?

Căn cứ Nghị định 89/2006 quy định về nhãn hàng hóa ban hành ngày 30 tháng 8 năm 2008, tem phụ được quy định là một loại tem nhãn được dán chắc chắn trên hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết về hàng hóa bằng tiếng Việt Nam đính kèm theo nhãn nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài trước khi đưa ra bán hoặc lưu thông trên thị trường. Tem phụ có chức năng giúp cơ quan hải quan, công an và người tiêu dùng kiểm soát, phân biệt được với hàng hóa nhập lậu.

Căn cứ Khoản 3 Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP có quy định: “Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Đối chiếu với quy định trên của pháp luật thì lô hàng mà công ty bạn nhập về chưa đầy đủ thông tin do đó công ty bạn hoàn toàn có thể dán nhãn phụ lên sản phẩm

Trên nhãn phụ phải bao gồm đầy đủ các thông tin sau đây:

– Hướng dẫn sử dụng

– Thành phần công thức đầy đủ:

– Tên nước sản xuất

– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường

– Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích

– Số lô sản xuất

– Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng

– Lưu ý về an toàn khi sử dụng (nếu có)

Cách thức dán nhãn phụ

– Nội dung nhãn:

Tên hàng hóa;

Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

Xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất mỗi loại hàng hóa mà nhãn hàng hóa còn các nội dung quy định bắt buộc khác quy định tại Điều 12 Nghị định số: 89/2006/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa.

– Vị trí dán nhãn:

+ Nhãn hàng hóa phải được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

+ Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.

+ Trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì: Các nội dung: tên hàng hóa; tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; xuất xứ hàng hóa phải được ghi trên nhãn hàng hóa. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

– Kích thước hàng hóa: tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa tự quyết định kích thước nhãn hàng

– Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hóa: Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hàng hóa phải rõ ràng. Đối với những nội dung bắt buộc theo quy định thì chữ, chữ số phải có màu tương phản với màu nền của nhãn hàng hóa

– Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa: Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ trường hợp sau:

+ Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;

+ Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất;

+ Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

+ Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhượng quyền sản xuất hàng hóa.

Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính khi hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên đường không có tem nhãn phụ

Theo quy định tại khoản 1, và khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 48 và khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP) thì hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam sẽ bị xử phạt như sau:

Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan:

b) Nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

 2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên được quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

h) Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa;

b) Buộc thu hồi hàng hóa và buộc loại bỏ hình ảnh, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; buộc thu hồi và tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa gian lận về thời hạn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.