Chiều 9/6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã họp báo thông tin về tình hình dịch và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết những năm trước, tháng 6 hàng năm là giai đoạn thấp điểm của dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên năm nay số ca có chiều hướng gia tăng.
Bà Nga cho biết dự báo từ đây đến cuối năm có thể xảy ra dịch lớn, nếu không có biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch.
Cũng theo bà Nga, sau khi trải qua hai năm có đại dịch COVID-19 thì gần như bà con không nhớ đến dịch sốt xuất huyết nữa.
Theo thống kê của HCDC, trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca. Số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng trong tuần 22 (từ ngày 27/5 đến 2/6), TP.HCM ghi nhận 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận, huyện và TP Thủ Đức, giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 21.
Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 223 ổ dịch và có 5 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Toàn TP.HCM có 1.504 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP Thủ Đức, trừ Quận 10. Những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 5 (Quận 8); phường Tân Thới Nhất (Quận 12); xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi).
Theo bà Nga, ổ sinh sản của muỗi lây bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở khắp nơi. Muỗi có thể bay và truyền bệnh trong phạm vi 50m xung quanh ổ sinh sản. Đặc biệt loài muỗi vằn hoạt động cả ban ngày nên có thể lây bất cứ nơi đâu.
HCDC khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại tất cả những nơi có sinh hoạt của con người.