Tại buổi tọa đàm về giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định, đơn vị đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an để người dân chỉ cần một app (ứng dụng công nghệ) duy nhất cho phòng, chống dịch, không cần tải thêm. Đó là app PC-Covid quốc gia.
Là ứng dụng được 3 Bộ Y tế, Công an và TT&TT chủ trì triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, PC-Covid tổng hợp các tính năng hiện có của các app chống dịch như NCOVI, Bluezone, VHD… và được thiết kế lại để thuận tiện nhất cho người dùng. PC-Covid về cơ bản là sự tổng hợp các tính năng: Khai báo y tế; Phản ánh; Quét mã QR; Thông tin tiêm, xét nghiệm...
Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia (gọi tắt là Trung tâm Công nghệ), đơn vị vận hành ứng dụng PC-Covid cho biết: Có 4 nguồn dữ liệu quan trọng cần được kết nối, liên thông với PC-Covid để ứng dụng này có thể hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch cũng như nhu cầu của người dân.
Đó là, dữ liệu tiêm chủng từ nền tảng quản lý tiêm chủng, dữ liệu từ nền tảng hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, dữ liệu bảo hiểm xã hội của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; và dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại sao ứng dụng PC-Covid lại yêu cầu nhiều quyền truy cập?
Hiện nay, một số người phản ánh rằng ứng dụng đòi hỏi nhiều quyền truy cập. Lý giải về vấn đề này, Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia - đơn vị chịu trách nhiệm vận hành PC-Covid cho biết: việc truy cập quyền ứng dụng chỉ phục vụ cho yêu cầu phòng chống dịch và theo đúng tuyên bố của ứng dụng.
Theo chia sẻ từ đội ngũ phát triển, cả Google và Apple đều có chính sách kiểm soát quyền rất chặt chẽ. Các ứng dụng đều giải thích công khai việc mình khai thác những quyền này. Đồng thời, các yêu cầu quyền truy cập xảy ra với hệ điều hành khác nhau phụ thuộc chính sách của mỗi hệ điều hành.
Cụ thể, khi tải và sử dụng, ứng dụng PC-Covid có thể sẽ yêu cầu người dùng cấp các quyền như: Khai thác tín hiệu Bluetooth; Quyền truy cập vị trí; Quyền truy cập thông báo (tối ưu hóa hạn chế pin bởi ứng dụng mong muốn được chạy standby hàng ngày); Truy cập camera (để có thể quét mã QR)… Ở mỗi hệ điều hành, các yêu cầu truy cập có thể được gắn với nhau thành từng cụm nên dẫn đến hiện tượng nói trên.
Chẳng hạn, khi người dùng cài đặt đặt ứng dụng PC-Covid trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền truy cập vị trí, là do chính sách của Google, khi bật Bluetooth BLE máy tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên, PC-Covid không sử dụng tới quyền đó.
Ứng dụng PC-Covid chỉ lưu dữ liệu lịch sử tiếp xúc trên máy của người dùng và không thu thập vị trí. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Vì sao ứng dụng PC-Covid gặp trục trặc khi tải về máy?
Về các phản ánh của người dân gặp trục trặc trong quá trình cài đặt, sử dụng PC-Covid, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch quốc gia cho biết, khi chuyển đổi một tập tin ước tính có 45 triệu lượt tải và 20 triệu người dùng thường xuyên hàng tuần, về mặt kỹ thuật sẽ có hiện tượng rung lắc, đây là điều đã được ước tính. Chỉ riêng trong ngày 30-9, đã có khoảng hơn 1,7 triệu lượt tải, trong khi đó hệ thống đang trong quá trình chuyển đổi dẫn đến hiện tượng bị treo.
Người không có smartphone phải làm như thế nào?
Với những người dân không sử dụng điện thoại thông minh, có thể khai báo trực tiếp trên nền tảng website hoặc nhờ người khác đăng ký trên ứng dụng. Sau đó, người dùng in mã QR được cấp và mang theo khi di chuyển.
Đối với trường hợp không có mạng Internet, ứng dụng PC-Covid quốc gia có cơ chế lưu dữ liệu đệm, tải mã QR về để có thể sử dụng khi không có kết nối mạng.
Vân Trang - SHTT